Hợp tác xã thích nghi với kinh tế thị trường để mở rộng sản xuất
Mang lại hiệu quả kinh tế bền vững
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2021, toàn tỉnh Hòa Bình có 228 tổ hợp tác; 476 HTX, tăng 73,9% so với năm 2001, có 446 HTX đang hoạt động với 16,54 nghìn thành viên (tăng 3 lần) và 26,8 nghìn lao động (tăng 3,4 lần). Doanh thu và thu nhập bình quân của 1 HTX hàng năm đều tăng, giai đoạn 2013 - 2021 tăng gấp đôi giai đoạn 2001 - 2012. Đến năm 2021, doanh thu HTX đạt 3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận 389,6 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Số lượng HTX tốt, khá chiếm 75%. Tổ hợp tác, HTX chuyển biến tích cực về quy mô, công nghệ và thị trường. Đặc biệt, HTX nông nghiệp hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Kinh tế tập thể, HTX thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường, xuất hiện nhiều mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đánh giá, kinh tế tập thể đang là hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả bền vững ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hiện có 65% số xã có HTX đã đóng góp tích cực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. HTX, tổ hợp tác có vai trò quan trọng tạo sinh kế, là các mô hình tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, giúp người dân, thành viên phát huy kinh tế hộ, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Cũng theo ông Sứ, thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể theo hướng khuyến khích tăng số lượng thành viên, quy mô hoạt động của HTX, thúc đẩy liên kết sản xuất phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể, hoạt động của các HTX.
Kinh tế tập thể đang là hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả bền vững ở khu vực nông thôn
Liên kết với nhiều tổ chức, đơn vị
Tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, HTX Làng nghề truyền thống mây, tre đan xóm Bui hoạt động có hiệu quả với các sản phẩm mây tre đan làm thủ công, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, được thị trường ưa chuộng, nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh, thành phố và xuất khẩu đi nước ngoài. Nhờ đó, tạo việc làm ổn định cho khoảng 150 thành viên, với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng và hơn 200 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, HTX còn phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức đào tạo nghề cho phụ nữ các xã: Vũ Lâm, Yên Phú, Văn Sơn và thị trấn Vụ Bản, từng bước góp phần mở rộng vùng sản xuất nghề mây tre đan ra toàn huyện Lạc Sơn.
Từ khi thành lập đến nay, HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam (TP. Hòa Bình) đã khẳng định được thương hiệu của những bài thuốc nam gia truyền chữa bệnh xương khớp và nhuận tràng, giảm táo bón, bệnh trĩ của người Dao. Giám đốc HTX Triệu Thị Oanh cho biết, HTX đã ký kết được chuỗi liên kết thu mua dược liệu với bà con trong tỉnh, bên cạnh đó mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất. Hiện, HTX có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mọi công đoạn để sản xuất ra sản phẩm được thực hiện nghiêm ngặt, kỹ lưỡng từ lựa chọn dược liệu, sơ chế, bào chế, sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Để thích ứng với sự phát triển của thị trường, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, thuận tiện cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Năm 2021 vừa qua, HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Hiện, HTX đang đầu tư xây dựng khu sản xuất, thăm quan trải nghiệm rộng 3.000 m2 tại huyện Đà Bắc. Đồng thời, liên kết với các điểm du lịch cộng đồng tại huyện Đà Bắc và trên địa bàn tỉnh để thu hút khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm y học cổ truyền của HTX.
Thảo Anh
Tin liên quan
- Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Bình Thuận đến năm 2030
- Hải Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp
- Chủ động tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 105/NQ-CP để tháo gỡ kịp thời khó khăn
- Hợp tác xã nông nghiệp là chủ thể chính của các sản phẩm OCOP
- Vai trò của kinh tế tập thể trong việc giải quyết việc làm
- Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Bình Thuận đến năm 2030
- Tiền Giang: Phát triển kinh tế hợp tác làm nòng cốt đổi mới tam nông
- Lào Cai: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tăng cả về số lượng, chất lượng
- Các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển
- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025