Hợp tác xã giao thông vận tải: Nỗ lực chuyển mình giữa thời khó
Vận tải do tư nhân đầu tư cạnh tranh khốc liệt, giá nhiên liệu tăng cùng với vướng mắc nội tại chưa tháo gỡ hết, song HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải vẫn đang nỗ lực “làm mới” để chuyển mình giữa thời khó.
Mở rộng dịch vụ
Ô tô các loại thường xuyên vào bến xe khách Nam Phước (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) không phải để vận chuyển khách, hay hàng hóa mà để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ vận tải đã được HTX Dịch vụ vận tải và kinh doanh tổng hợp (KDTH) Duy Xuyên triển khai áp dụng. Điển hình như sửa chữa xe, bơm dầu mỡ, làm lốp, rửa xe… Trong khu vực bến, nhà xe Phương Trang thuê riêng một điểm để làm đại lý cho hành khách giao dịch đi lại.
Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải và KDTH Duy Xuyên - ông Nguyễn Ta cho biết, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị còn tiếp cận, triển khai vận chuyển công nhân cho công ty, nhà máy đóng tại địa bàn Duy Xuyên, Tam Kỳ, Quế Sơn… với tổng cộng 26 xe.
Ông Nguyễn Ta cho biết, dịch vụ vận chuyển công nhân này hình thành xuất phát từ thực tiễn khó khăn của HTX nói riêng trước sự cạnh tranh khốc liệt của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải khách ra đời sau, đồng thời xe buýt chạy tuyến Phú Đa - Đà Nẵng ngưng hoạt động vì mất khách do Đà Nẵng quy định xe chỉ được chạy tới ngoại ô thành phố. Với sự linh hoạt đó, HTX đã tạo được doanh thu, giải quyết cho 50 thành viên có việc làm ổn định; mức lương cơ bản mỗi tháng của cán bộ, nhân viên từ 6 triệu đồng trở lên.
HTX hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; hằng năm đều tổ chức đại hội, thực hiện chi trả lãi cho thành viên đúng quy định. Đơn vị thường xuyên được Sở GT-VT, Liên mình HTX tỉnh hỗ trợ để tiếp cận thông tin, cơ chế chính sách có liên quan.
Liên minh HTX tỉnh cho hay, Quảng Nam có 18 đơn vị kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - ông Võ Bảy chia sẻ, các HTX này chủ yếu tập trung hỗ trợ dịch vụ đăng ký bến bãi, thuế, bảo hiểm phương tiện, vận tải hành khách…
Mùa mưa bão, họ tích cực đưa phương tiện vận chuyển người dân đi sơ tán khi được huy động. HTX lĩnh vực GTVT đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn giao thông và an sinh xã hội.
Một số HTX sau chuyển đổi đã tăng cường đầu tư trang thiết bị, hoạt động hiệu quả, tăng doanh thu và nâng cao thu nhập cho thành viên, tiêu biểu có thể kể đến HTX Dịch vụ vận tải và KDTH Duy Xuyên, HTX Vận tải thủy bộ và khách du lịch Hội An, HTX Vận tải và KDTH TP.Tam Kỳ.
Tháo gỡ những vướng mắc
Tuy đã từng bước ổn định hoạt động, song HTX Vận tải và KDTH TP.Tam Kỳ còn gặp không ít khó khăn do hệ lụy ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng cao, trong lúc lượng khách đi xe giảm mạnh so với trước đây.
Cùng với đó, hàng chục phương tiện của HTX tham gia tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng bất đắc dĩ phải dừng hoạt động do quy định không được vào nội thành của TP.Đà Nẵng.
Trước thực tế nêu trên, ông Bùi Văn Lợi - Giám đốc HTX Vận tải và KDTH TP.Tam Kỳ cho biết, đơn vị đang củng cố, duy trì khai thác ổn định xe buýt các tuyến Tam Kỳ - Bắc Trà My, Tam Kỳ - Núi Thành; xe khách tuyến cố định đi Đà Nẵng, Đông Hà (Quảng Trị), Kon Tum, Thừa Thiên Huế; xe hợp đồng đi TP.Hồ Chí Minh. HTX Vận tải và KDTH TP.Tam Kỳ còn xúc tiến dịch vụ vận chuyển công nhân.
Hiện nay, các HTX trong lĩnh vực GTVT nỗ lực “làm mới” mình trước cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hạn chế nội tại của chính họ chưa được tháo gỡ thỏa đáng, điển hình như phương tiện chủ yếu cũ, xuống cấp nhưng chưa thay thế mới. Một số thành viên HTX không mặn mà với đơn vị, cho nên tháo lui về kinh doanh cá thể, hoặc mở doanh nghiệp GTVT riêng.
Tư duy sản xuất kinh doanh, cung cách điều hành của đội ngũ quản lý HTX chưa linh hoạt, thiếu khoa học và có nơi thể hiện sự an phận. Đặc biệt, văn hóa ứng xử của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chuyển biến không đáng kể.
Chính vì thế, dịch vụ tư nhân ra đời với sự phục vụ chu đáo, phương tiện hiện đại, cạnh tranh về giá đã “hút” dần lượng “thượng đế” không nhỏ từ HTX.
Trước thực tế trên, ông Võ Bảy cho rằng, HTX lĩnh vực GTVT cần thích ứng nhanh với cơ chế mới liên quan đang có hiệu lực. Đầu tư phương tiện hiện đại; quan tâm tập huấn, chấn chỉnh về thái độ ứng xử của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
Đa dạng hóa ngành nghề, chẳng hạn như các dịch vụ hỗ trợ vận tải. Bổ sung vào đội ngũ quản lý cán bộ trẻ có năng lực, nhạy bén trước thị trường và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra Liên minh HTX tỉnh, ông Đặng Văn Tính góp ý HTX ngoài đưa đón công nhân cũng nên tiếp cận, cung ứng dịch vụ đưa đón học sinh trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, an toàn giao thông.
Về phần mình, HTX lĩnh vực GTVT kiến nghị cấp thẩm quyền, ngành chức năng nghiên cứu có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp; trợ giá cho xe buýt đi về trung du, miền núi… nhằm tháo gỡ khó khăn thực tại.
Tin liên quan
- Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Bình Thuận đến năm 2030
- Hải Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp
- Chủ động tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 105/NQ-CP để tháo gỡ kịp thời khó khăn
- Hợp tác xã nông nghiệp là chủ thể chính của các sản phẩm OCOP
- Vai trò của kinh tế tập thể trong việc giải quyết việc làm
- Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Bình Thuận đến năm 2030
- Tiền Giang: Phát triển kinh tế hợp tác làm nòng cốt đổi mới tam nông
- Lào Cai: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tăng cả về số lượng, chất lượng
- Các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển
- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025